BỆNH GLASSER – VIÊM ĐA XOANG

Bệnh Glasser hay còn gọi là viêm đa xoang là bệnh truyền nhiễm trên heo con, chủ yếu ở heo con sau cai sữa từ 4 – 8 tuần tuổi, gây ra bởi vi khuẩn Haemophilus parasuis. Bệnh tồn tại dai dẳng, gây ra những hậu quả lớn cho người chăn nuôi. Để giúp bà con có cái nhìn tổng quan hơn về bệnh, hôm nay đội ngũ kỹ thuật công ty Thiên Quân sẽ cung cấp cho bà con những thông tin cần thiết về bệnh Glasser – viêm đa xoang trên heo nhằm giúp bà con sớm nhận biết được bệnh trên đàn và có hướng điều trị thích hợp.

1. Nguyên nhân gây ra bệnh Glasser trên heo

Bệnh Glasser được gây ra bởi vi khuẩn Hemophillus parasuis, vi khuẩn này thuộc họ Pasteurellaceae, chi Haemophilus là vi khuẩn Gram âm, kích thước nhỏ, có hình dạng thay đổi từ dạng cầu khuẩn đến sợi dài và mỏng, không di động, không có vỏ nhầy. Có tổng cộng 15 chủng vi khuẩn, gây bệnh từ nhẹ đến nặng.

Tại nước ta, bệnh xuất hiện ở một số trại và thường có sự kết hợp với các bệnh đường hô hấp khác như tai xanh, viêm phổi địa phương, viêm phổi dính sườn, hoặc do virus cúm.

Heo là loài động vật cảm nhiễm duy nhất, heo con sau khi sinh đến 4 tháng tuổi thường mắc bệnh, đặc biệt là heo sau cai sữa (4-5 tuần tuổi) đến 4 tháng tuổi. Vi khuẩn sống khu trú trong hệ hô hấp của heo, khi có tác nhân làm giảm sức đề kháng của heo, vi khuẩn sẽ tăng độc lực gây bệnh.

Phương thức truyền lây:

Bệnh lây truyền trực tiếp do tiếp xúc qua mũi. Bệnh có thể xuất triển trong giai đoạn nhập heo mới. Thông thường vi khuẩn ký sinh ở đường hô hấp, khi có những yếu tố làm giảm sức đề kháng của heo như stress sau cai sữa, hoặc do heo mắc các bệnh hô hấp khác, vi khuẩn sinh sản nhanh chóng vào máu đến nhiều cơ quan gây bệnh.

Cơ chế sinh bệnh:

Khi xâm nhập vào cơ thể, trước tiên vi khuẩn xâm nhập vào hệ hô hấp, sau đó đi vào máu, gây xuất huyết ở gan, thận, và màng não, rồi đi đến hầu hết các cơ quan của cơ thể. Vi khuẩn có khả năng tiết ra độc tố gây viêm mạch, gây nên bệnh lý đặc trưng là viêm có mủ và fibrin ở nhiều màng thanh dịch, viêm đa khớp và viêm màng não. Heo có thể chết do nhiễm độc tố hoặc tắc nghẽn mạch máu bởi các cục máu đông.

Hiện nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về sức đề kháng của vi khuẩn này.

2. Triệu chứng khi heo mắc bệnh Glasser

Bệnh có thể xảy ra thình lình trên một vài con heo hoặc cả đàn. Ở những đàn không có miễn dịch bệnh diễn biến rất nhanh, chỉ xảy ra vài ngày sau khi tiếp xúc với mầm bệnh. Con vật sốt từ 40,5-42oC, lờ đờ, ăn ít hoặc bỏ ăn, nhịp tim của heo tăng. Rối loạn ngoại vi dẫn đến chót tai, mõm và chân heo bị tím tái, da mí mắt bị tích nước, niêm mạc mắt đỏ. Heo bị khó thở, ho, con vật kêu la do bị viêm đa khớp dẫn đến sưng nóng đau, dáng đi chậm chạp, heo ngồi thở bằng bụng.

Hình 1: Heo bị sưng khớp, đi lại khó khăn. Chót tai, mõm và chân heo bị tím tái.

(Nguồn ảnh: Internet)

Một số heo có triệu chứng viêm màng não, co giật, run cơ. Heo đi chậm chạp, 2 chân sau loạng choạng và hay ngã về một bên. Heo mắc bệnh thường chết sau 2-5 ngày. Một số heo triệu chứng giảm dần và chuyển sang viêm khớp mãn tính, viêm phúc mạc, một số trường hợp bị tắc ruột do viêm dính thanh mạc ruột.

3. Bệnh tích của bệnh Glasser

Bệnh tích đại thể:

Chủ yếu là viêm thanh dịch có sợi fibrin ở màng phổi, màng bao tim, khớp, phúc mạc, màng não. Những bệnh tích này có thể xảy ra cùng lúc hoặc lẻ tẻ.

Hình 2: Viêm thanh mạc đặc trưng bởi tích dịch trong khoang bụng và khoang ngực.

(Nguồn ảnh: Disease of swine)

 

Hình 3: Dịch tiết fibrin có mủ trên bề mặt màng ngoài tim

(Nguồn ảnh: Disease of swine)

Bệnh tích vi thể:

Kiểm tra bệnh tích vi thể thấy viêm fibrin có mủ mới sự thâm nhiễm của nhiều bạch cầu trung tính và bạch cầu đa nhân.

Hình 4: Ảnh vi thể của bệnh viêm đa xoang, thấy viêm màng não có mủ (mũi tên)
(Nguồn ảnh: Disease of swine)

4. Phòng bệnh

  • Khi mua heo, bà con cần chọn heo giống có nguồn gốc uy tín, rõ ràng, được kiểm dịch. Thực hiện việc cách ly và tiêm phòng đầy đủ trước khi cho nhập đàn.
  • Thực hiện vệ sinh, tiêu độc, sát trùng chuồng trại thường xuyên và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Kiểm soát tốt các nguồn ra vào trại, thực hiện biện pháp “cùng vào – cùng ra”.
  • Định kỳ kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm bệnh. Nâng cao thêm sức đề kháng đàn bằng vitamin, thuốc bổ, phòng bệnh bằng kháng sinh trộn thức ăn.
  • Hạn chế stress ảnh hưởng đến sức đề kháng của heo như vận chuyển, thay độ nhiệt độ, thức ăn, cai sữa hoặc ghép bầy.
  • Khi heo bệnh, ưu tiên dùng kháng sinh liều cao để tiêm hoặc sử dụng trong thức ăn, nước uống cho heo con nhằm dập bệnh không lây lan rộng trong đàn, sau đó dùng kháng sinh liều thấp để điều trị từ từ.
  • Chủ động tiêm phòng vaccine cho đàn để hạn chế thiệt hại do bệnh.

5. Điều trị bệnh Glasser

  • Bệnh cần điều trị sớm, tiêm kháng sinh với liều cao để thuốc có thể thấm vào màng não và dịch các mô.
  • Các loại kháng sinh điều trị bệnh viêm đa xoang có thể kể đến như: ampicillin, amoxicillin, gentamycin, spectinomycin, tulathrommycin,…

Xem thêm một số sản phẩm kháng sinh điều trị bệnh: AMOX+TYLOSIN, AMOXI 50, AMPI COLI, GENTAMOX, GENTATYLAN, FLOTYLAN, GENTAMYCIN 10%, AZITHROMYCIN, TYLOSIN 5%,…

  • Dùng các thuốc kháng viêm, giảm đau, hạ sốt để điều trị các triệu chứng bệnh.

Xem thêm một số sản phẩm kháng viêm, giảm đau, hạ sốt: ANA-C, ANALGIN C, BROMHEXIN 0,3%, DEXA 100, DEXAMETHASONE, DICLOFENAC,…

  • Ngoài ra, bà con cũng cần bổ sung dinh dưỡng, vitamin, sức đề kháng cho đàn để tăng khả năng chống lại bệnh.

Xem thêm một số sản phẩm bổ sung dinh dưỡng, vitamin: GLUCOSE 5%, GLUCOSE KC, SUPER VITAMIN, VITAMIN PLUS,…

Thông qua bài viết trên, đội ngũ kỹ thuật của Thiên Quân  đã cung cấp cho bà con những thông tin cần thiết trong công tác phòng chống và điều trị bệnh viêm đa xoang trên heo. Cảm ơn bà con đã theo dõi và quan tâm!

Mọi thông tin thắc mắc hoặc mua hàng xin liên hệ hotline: 0886 04 05 06 hoặc fanpage THIÊN QUÂN VIỆT NAM.

Chúc quý bà con chăn nuôi thành công!

Đội ngũ kỹ thuật công ty Thiên Quân.

Trả lời

Hotline
icons8-exercise-96 chat-active-icon