BÒ BỊ VIÊM DA NỔI CỤC (BỆNH DA SẦN Ở TRÂU, BÒ)
Bệnh viêm da nổi cục hay còn được gọi là bệnh da sần ở trâu, bò (Lumpy Skin Disease Virus-LSDV) là một bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam tuy nhiên nó đã trở thành dịch bệnh với tốc độ lây lan cực kì nhanh gây ra nhiều thiệt hại cho bà con trên cả nước. Viêm da nổi cục xuất hiện từ tháng 10/2020 đến nay đã ghi nhận nhiều ca bệnh trên các tỉnh thành, đặc biệt là ở miền Bắc và miền Trung xuất hiện nhiều hơn phía Nam. Vì trâu bò là loại gia súc lớn giá trị cao nên bà con tìm hiểu thêm về cách phòng cũng như điều trị loại bệnh này để giảm thiểu thiệt hại.
1. Nguyên nhân dẫn đến bò bị viêm da nổi cục?
Viêm da nổi cục là một loại bệnh do virus gây ra. Virus có kích thước lớn là một loại DNA virus sợi đôi thuộc họ Poxviridae giống Capripoxvirus. Cấu trúc kháng nguyên gần với virus đậu dê, đậu cừu. Bộ gen bền ít có sự thay đổi nên chưa thấy lây từ trại – trại.
Có thể tiêu diệt được virus ở nhiệt độ 55ºC trong 2 giờ hoặc với 65ºC trong 30 phút. Hoặc dùng chất sát trùng: sodium hypochlorite 2-3%, ether 20%, chloroform, , phenol 2%, formalin 1%, hợp chất iodine (pha loãng tỷ lệ 1:33),….Tồn tại trong khoảng pH từ 6,6-8,6.
Có thể hồi phục virus từ những nốt sần được bảo quản ở nhiệt độ -80ºC trong 10 năm và bảo quản được 6 tháng với dịch nuôi cấy virus trong nhiệt độ 4ºC. Ở các nốt sần lở loét virus tồn tại được 33 ngày, ở lớp vảy khô tồn tại được 35 ngày. Thú mắc bệnh khoảng 21 có thể tìm thấy virus trong máu nhưng ít hơn so với lượng virus trong các nốt sần, virus tồn tại trong tinh dịch hơn 40 ngày. Do nhạy cảm với nhiệt, ánh sáng mặt trời, chất tẩy rửa có chứa dung môi lipid nên môi trường tối, ẩm ướt, kém vệ sinh là điều kiện khiến virus sinh sôi phát triển và tồn tại lâu hơn ngoài môi trường.
Virus tấn công cả trâu bò, dê cừu và một số động vật hoang dã như hưu, nai, linh dương. Tỷ lệ bệnh từ 3-85%. Tỷ lệ chết khi mắc bệnh thông thường chỉ từ 1-3%, còn khi trở thành ổ dịch thì tỷ lệ chết lên đến 20-85%.
2. Bệnh viêm da nổi cục lây lan như thế nào?
Trong các nốt sần, nước bọt, chất nhầy ở mũi, sữa,máu và tinh dịch thấy có nhiều virus hiện diện. Nên có thể lây trực tiếp từ bò bệnh sang bò khoẻ khi chúng tiếp xúc với các loại dịch tiết trên. Hoặc qua trung gian do côn trùng như ruồi, muỗi, ve mang virus, do dụng cụ, thức ăn nước uống, kim tiêm, con người, vận chuyển hay bất cứ gì tiếp xúc và mang theo virus.
Bệnh xảy ra những tháng ấm áp, côn trùng phát triển nhiều làm véc tơ lây lan bệnh. Bò nhạy cảm hơn trâu với tỷ lệ mắc bệnh ở bò là 30,8% còn trâu 1,6%.
3. Triệu chứng của bệnh viêm da nổi cục
Cùng trong một đàn đều mắc virus tuy nhiên mỗi con có thể có triệu chứng lâm sàng hoặc không, những con mắc bệnh nhưng không biểu hiện ra dấu hiệu lâm sàng vẫn mang và có thể làm lây lan virus. Thời gian ủ bệnh trong phòng thí nghiệm là từ 4-14 ngày, còn trong tự nhiên khoảng 5 tuần. Các triệu chứng lâm sàng đã được ghi nhận như sau:
Bò chảy nhiều nước mắt, nước mũi, mũi có dịch nhầy nhiều hơn bình thường.
Sưng hạch bạch huyết ở dưới và trước vai có thể dễ dàng sờ thấy khi thăm khám.
Sốt cao trên 40,5ºC kéo dài khoảng 1 tuần, thường xuất hiện trước khi giảm sữa.
Giảm sản lượng sữa.
Viêm phổi do nhiễm trùng thứ phát.
Xuất hiện các nốt sần trên da hình tròn, đường kính từ 2-5 cm, nhô cao hơn bề mặt da. Các vị trí như da đầu, cổ, cơ quan sinh dục, vú, đáy chậu là những nơi những nốt sần có mật độ cao, ngoài ra các vị trí khác vẫn mọc. Về độ sâu, các nốt ăn sâu vào các lớp của da, mô liên kết dưới da và có thể đến lớp cơ. Nốt sần thường xuất hiện sau khi bò bị sốt, bên trong chứa nhiều virus và dịch mủ, lâu dần gây hoại tử tại vị trí đó, sau đó bị xơ hoá trong vài tháng rồi hình thành sẹo.
Những nốt sần nổi khắp da của bò mắc bệnh (http://www.snntuyenquang.gov.vn)
Các vết loét ở mũi và miệng chảy dịch mủ, dịch nhầy, nước bọt chứa nhiều virus. Tổn thương ở mũi và miệng
Bò đực có thể vô sinh tạm thời hoặc vĩnh viễn, bò cái mang thai gây sẩy thai.
4. Bệnh tích của bò khi mắc bệnh viêm da nổi cục
Bệnh tích: khi mổ khám thấy các vết loét hoại tử ở đường ống tiêu hoá và hô hấp nhiều hơn trên bề mặt các cơ quan nội tạng khác. Ở da có các tổn thương ngoài da ở các vị trí mọc các nốt sần.
Bà con có thể dễ dàng chẩn đoán bò bệnh dựa trên các triệu chứng lâm sàng ở bên trên. Đối với chẩn đoán ở phòng thí nghiệm các kỹ thuật viên sẽ lấy mẫu ở da, vảy, máu + EDTA, nước bọt và xác định sự tồn tại của virus bằng phương pháp real time PCR. Một số bệnh cần chẩn đoán phân biệt với bệnh VDNC như: bệnh da nổi sần giả do virus herpes ở bò, côn trùng cắn, nổi mề đay, bệnh do Parapoxivirus chỉ gây nốt sần ở vú, bệnh giun đũa gây nốt sần ở bụng.
5. Cách phòng và điều trị bệnh viêm da nổi cục ở bò
5.1 Những quy tắc phòng bệnh
Do chưa có thuốc đặc trị bà con nên cẩn thận đề phòng dịch bệnh, tuân thủ theo khuyến cáo của thú y và nhà nước. Để bảo vệ đàn gia súc và tránh những thiệt hại do viêm da nổi cục gây nên bà con cần thực hiện những việc như sau khi chưa có dịch:
Thường xuyên thăm nom, theo dõi những bất thường trên cơ thể bò để có thể phát hiện sớm
Vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại cùng với tiêu diệt các vật trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, ve
Chỉ nhập trâu bò đã qua kiểm dịch, có nguồn gốc rõ ràng
Thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng
Chủ động tiêm phòng cho cả đàn hằng năm, vaccine có hiệu lực sau 21 ngày. Có vài phản ứng phụ như sốt, giảm sữa, có vài nốt sần nhỏ nhưng sẽ khỏi sau 1- 2 tuần.
Cho ăn đầy đủ, cân đối và tăng cường đề kháng cho vật nuôi
Nếu khi bà con nghi ngờ trong đàn của mình đang có dịch, cần cách ly ngay các con có biểu hiện nuôi nhốt riêng sau đó báo cho cơ quan thú y địa phương tiến hành kiểm tra. Khi có kết quả: tiêu huỷ toàn bộ trâu bò có kết quả dương tính; thực hiện tiêu độc sát trùng, tiêu diệt các vật chủ trung gian lây truyền trong 3 tuần liên tục; không tự ý giết mổ, mua bán, vận chuyển trâu bò ra khỏi địa phương; không vứt xác chết gia súc bệnh ra môi trường mà xử lý theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
5.2 Điều trị
Hiện tại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Tuy nhiên, bà con có thể sử dụng kháng sinh điều trị những bệnh kế phát, một số phương pháp phòng, chống bệnh chính bao gồm:
Khi phát hiện dịch bệnh xảy ra, cần báo ngay cho cơ quan thú y tại địa phương, hạn chế sự lây lan của mầm bệnh.
Tuân thủ, chấp hành những hướng dẫn của cơ quan thú y về phòng chống dịch bệnh động vật.
Cách ly gia súc bệnh ra khỏi đàn, tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi và dụng cụ chăn nuôi theo quy định.
Sử dụng thuốc điều trị những triệu chứng cho con vật khi bệnh diễn ra.
Xem thêm một số sản phẩm điều trị triệu chứng: Hạ sốt (ANALGIN C, ANA+C,…), kháng viêm (KETOFEN, DEXAMETHASONE, DICLOFENAC,…), …
Trên đây là một số thông tin mà Thiên Quân cung cấp cho bà con về bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Hy vọng những thông tin có thể giúp bà con phòng chống và có hướng giải quyết khi dịch bệnh diễn ra.
Mọi thông tin thắc mắc hoặc mua hàng xin liên hệ hotline: 0886 04 05 06 hoặc fanpage THIÊN QUÂN VIỆT NAM.
Chúc bà con chăn nuôi thành công!
Đội ngũ kỹ thuật công ty CP Thiên Quân
Bài viết liên quan
KỸ THUẬT NUÔI BÒ LẤY THỊT
KỸ THUẬT NUÔI BÒ LẤY THỊT Nuôi bò lấy thịt là một nghề quan trọng [...]
KỸ THUẬT NUÔI THỎ
KỸ THUẬT NUÔI THỎ Kỹ thuật nuôi thỏ là một ngành nông nghiệp hứa hẹn, [...]
MÔ HÌNH NUÔI HEO HỘ GIA ĐÌNH
MÔ HÌNH NUÔI HEO HỘ GIA ĐÌNH Chăn nuôi heo là một nghề có truyền [...]
KỸ THUẬT NUÔI GÀ LẤY THỊT
KỸ THUẬT NUÔI GÀ LẤY THỊT Theo Cục chăn nuôi trong năm 2022 tổng đàn [...]